Hiện nay, Việt Nam có gần 120 triệu thuê bao di động

Hiện nay, Việt Nam có gần 120 triệu thuê bao di động

Tính đến cuối năm 2017, tổng số thuê bao điện thoại ước tính đạt 127,4 triệu thuê bao, trong đó số thuê bao di động đạt 119,7 triệu thuê bao.

Theo thống kê tình hình kinh tế - xã hội năm 2017 của Tổng Cục thống kê, doanh thu lĩnh vực viễn thông năm 2017 của nước ta ước tính đạt 380 nghìn tỷ đồng. So với năm 2016, doanh thu này đã tăng 7,3%.

Tính đến cuối năm 2017, tổng số thuê bao điện thoại ước tính đạt 127,4 triệu thuê bao, giảm 2,1% so với cùng kỳ năm 2016, trong đó số thuê bao di động đạt 119,7 triệu thuê bao, giảm 1,3%; số thuê bao Internet băng rộng cố định tăng 18,7%, ước tính đạt 10,8 triệu thuê bao.

Theo Tổng Cục thống kê, nguyên nhân việc giảm thuê bao di động là các nhà mạng thực hiện thu hồi sim rác theo quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông. Trong năm 2017 đã thu hồi 24,3 triệu SIM rác.

Thanh tra Bộ cũng chia sẻ đã ban hành 53 quyết định, trong đó có 47 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền phạt thu được là 1,622 tỷ đồng.

Trước đó, phát biểu tại Hội thảo quốc tế về quản lý cạnh tranh và quản lý giá cước do Cục Viễn thông tổ chức tại Hà Nội ngày 30/10, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng cho biết: Trải qua nhiều giai đoạn phát triển, thị trường viễn thông Việt Nam trong 10 năm gần đây đã phát triển với tốc độ rất nhanh và được mở cửa hoàn toàn. Toàn thị trường có 70 doanh nghiệp viễn thông đang hoạt động, trong đó có 37 doanh nghiệp được cấp phép thiết lập hạ tầng mạng, 33 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông.

Ngoài ra, lãnh đạo Bộ cũng yêu cầu 5 doanh nghiệp viễn thông di động gồm Viettel, VNPT (VinaPhone), MobiFone, Vietnamobile và Gtel cam kết phối hợp, tăng cường ngăn chặn tin nhắn rác trong năm tới. Đồng thời, thực hiện điều phối các doanh nghiệp xây dựng phần mềm quản lý, hỗ trợ phòng chống, ngăn chặn tin nhắn rác nội mạng và liên mạng.

Trong một thập kỷ qua, chất lượng dịch vụ viễn thông ngày càng được cải thiện, giá cước viễn thông tại Việt Nam liên tục giảm nhưng doanh thu vẫn giữ mức tăng trưởng ổn định, tổng doanh thu phát sinh lĩnh vực viễn thông năm 2016 tăng 7,5% so với năm 2015.

Tuy nhiên, thị trường dịch vụ viễn thông Việt Nam đang ở vào thời điểm khó thu hút, phát triển thêm thuê bao mới, dẫn tới cạnh tranh giữa các doanh nghiệp viễn thông nhằm tăng doanh thu và thị phần ngày càng khốc liệt, đặc biệt là cạnh tranh về giá cước dưới nhiều hình thức khác nhau như cung cấp dịch vụ dưới giá thành, khuyến mại giảm giá liên tục.

Nếu cách thức cạnh tranh đó tiếp diễn thì các doanh nghiệp sẽ dần đi tới phá sản, thị trường đổ vỡ, gây tác động không nhỏ tới hoạt động của các ngành kinh tế, xã hội khác. Để phát triển bền vững, duy trì cạnh tranh lành mạnh, các doanh nghiệp viễn thông cần thay đổi cách thức kinh doanh, quản trị doanh nghiệp và tư duy phát triển để đáp ứng tốt hơn nữa nhu cầu sử dụng đa dạng của khách hàng.

Tin liên quan

Bật mí tổng đài 9084 có phải là của nhà mạng Mobifone không?

Bạn đăng ký dịch vụ Mobifone gửi đến đầu số...

Gói K100 Mobifone ưu đãi thoại hấp dẫn chỉ với 100k

Bạn đang tìm kiếm gói cước ưu đãi gọi thoại...

Gói 12HD70 Mobifone lướt web 14 tháng với chi phí rẻ nhất

Gói 12HD70 MobiFone đang là gói data có cước phí...

Gói cước khuyến mại dành riêng cho Khu vực 7 Mobifone là gì?

Nhà mạng Mobifone đã chia thành 9 khu vực để...