Đây là dấu hiệu thuê bao sẽ bị khóa thông tin di động
Nếu chủ thuê bao không bổ sung thông tin cá nhân sau 5 ngày liên tiếp nhận được tin nhắn thông báo của nhà mạng, thuê bao sẽ bị khóa thông tin di động.
Đây là khẳng định của nhiều nhà mạng sau ngày 24/4 - thời điểm cuối cùng để người dùng di động bổ sung thông tin thuê bao và đăng ký sim chính chủ. Ngày 24/4 cũng là khoảng thời gian đánh dấu tròn 12 tháng kể từ khi Nghị định 49 có hiệu lực.
Theo Nghị định 49, nhà mạng phải đảm bảo toàn bộ các thông tin thuê bao trong cơ sở dữ liệu đúng theo quy định. Điều này giúp đảm bảo tính xác thực của chủ thuê bao.
Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau mà rất nhiều thuê bao chưa kịp bổ sung các thông tin theo quy định của nhà mạng, nhiều người dân lo lắng không biết mình có bị khoá số hay không.
Vinaphone cho biết, hiện vẫn chưa có thông tin gì về việc cắt liên lạc đối với các thuê bao. Nhà mạng này sẽ tiếp tục bổ sung thông tin thuê bao cho khách hàng như đã thông báo. Do vậy, bạn không nên lo lắng vì Vinaphone chỉ cắt liên lạc sau 5 lần thông báo.
MobiFone cũng đưa ra câu trả lời tương tự. Nếu thuê bao không nhận được tin nhắn thông báo của nhà mạng, bạn có thể tạm yên tâm sẽ không bị nhà mạng này khoá sim trong hôm nay.
Trước đó theo thông tin từ Cục Viễn thông, trong trường hợp cá nhân, tổ chức không thực hiện theo yêu cầu bổ sung thông tin thuê bao, nhà mạng sẽ khoá sim một chiều sau 15 ngày kể từ ngày đầu gửi thông báo. Chủ thuê bao sẽ bị khoá 2 chiều nếu không bổ sung thông tin trong 15 ngày tiếp theo. Sau 30 ngày kể từ khi khoá 2 chiều, nếu chủ thuê bao vẫn không chấp hành, nhà mạng sẽ thanh lý hợp đồng và chấm dứt cung cấp dịch vụ.
Tuy nhiên, như vậy không có nghĩa là sau ngày 24/4, toàn bộ các thuê bao chưa cập nhật thông tin sẽ bị khóa 1 chiều, 2 chiều hay bị chấm dứt cung cấp dịch vụ. Thuê bao sẽ chỉ bị khóa, chấm dứt cung cấp dịch vụ nếu chủ thuê bao cố tình không tuân thủ việc cập nhật, bổ sung thông tin thuê bao khi đã nhận được thông báo.
Trong trường hợp thuê bao chưa nhận được thông báo, trách nhiệm bảo đảm thông tin thuê bao đã đúng quy định thuộc về doanh nghiệp, và doanh nghiệp không có quyền khóa hay chấm dứt cung cấp dịch vụ của các thuê bao này.
Sau thời điểm 24/4, bất kỳ lúc nào cơ quan quản lý cũng có thể tiến hành thanh, kiểm tra và xử phạt nhà mạng nếu phát hiện có thông tin thuê bao trong cơ sở dữ liệu không đúng quy định.
Theo một diễn biến khác, cáp quang APG đã được sửa xong sớm hơn dự kiến thay vì từ 2 đến 3 tuần như thông báo trước đó.
Được biết, sự cố gây mất tín hiệu băng thông trên tuyến cáp biển APG đi quốc tế đã được khắc phục xong lúc 17h10 hôm qua, ngày 25/4. Nguyên nhân được xác định do mất cấu hình nguồn trên tuyến cáp và đã được cấu hình lại. Băng thông, chất lượng kết nối của Internet Việt Nam đi quốc tế hiện tại đã ổn định.
Trước đó, sự cố với cáp quang APG lần này được thông báo cần thời gian từ 2 – 3 tuần để khắc phục hoàn toàn. Tuy nhiên, do thời tiết thuận lợi và sự cố không nghiêm trọng như đánh giá ban đầu, đối tác quốc tế của các nhà mạng tại Việt Nam chỉ sửa trong 2 ngày.